Với vẻ ngoài rực rỡ, cây hồng phụng tựa như một món quà tô điểm cho không gian vườn nhà thêm phần màu sắc. Sau đây, hãy cùng Vựa cây xanh tìm hiểu ngay về đặc điểm cũng như ý nghĩa và cách chăm sóc loài cây này nhé.
Tìm hiểu đặc điểm của cây hồng phụng
Thông tin cơ bản
- Tên thường gọi: Cây hồng phụng
- Tên gọi khác: Cây hồng phượng, cây huyết phụng,..
- Tên khoa học: Loropetalum chinense
- Tên tiếng Anh: Fringe flower, họ Hamamelidaceae.
- Nguồn gốc: Loài cây này có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hy Mã Lạp Sơn, xuất hiện lần đầu trong các mô tả y học vào năm 1862.
Đặc điểm bên ngoài
- Thân cây: Đây là loại cây bụi thân gỗ, tán cây tròn với lá màu tím. Cây thường có thân nhỏ và nhiều nhánh cây, có tốc độ sinh trưởng nhanh, có chiều cao trung bình khoảng 1-2m. Sau 1,5 năm, cây thường tạo thành bụi tròn trịa với thân non màu tím có phủ lớp lông mềm mại. Khi già đi, thân chuyển dần sang màu xám.
- Lá cây: Lá mọc so le, phiến lá hình bầu dục với răng cưa nhỏ. Lá có màu đỏ tím đặc trưng và sẽ chuyển xanh hồng vào mùa hè. Bề mặt lá có phủ lông nhám mịn, cuống lá ngắn.
- Hoa cây: Thường mọc thành chùm màu hồng đậm quyến rũ. Khi nở lâu, hoa chuyển màu tím thanh lịch với cánh hoa dài 2-3cm. Khi hoa nở sẽ toát lên hương thơm nhẹ nhàng.
- Quả có màu nâu với hạt bên trong.
>> Cùng ngắm nhìn vẻ đẹp của loài cây hồng phụng này trong video dưới đây:
Ý nghĩa cây hồng phụng trong phong thủy
Về mặt phong thủy, cây hồng phụng tượng trưng cho sức mạnh và quyền uy của bậc đế vương. Với sắc hồng tím đặc trưng, cây còn được xem là vật cát tường, mang lại may mắn, tài lộc cho người sở hữu nó.
Cây hồng phụng hợp mệnh gì?
Nếu bạn đang thắc mắc không biết cây hồng phụng hợp mệnh gì thì câu trả lời sẽ là mệnh Thổ và mệnh Hỏa.
Cây sở hữu màu sắc hồng tím đặc trưng cho mệnh Hỏa, do đó những người thuộc mệnh này rất phù hợp trồng cây hồng phụng. Cây sẽ giúp người thuộc mệnh này xua đuổi vận xui, tà khí, đồng thời thu hút nhiều vượng khí, tiền tài, giúp công việc phát triển nhanh chóng, thuận buồm xuôi gió, dễ dàng đạt được thành công.
Bên cạnh đó, theo phong thủy ngũ hành, Hỏa sinh Thổ, nên người mệnh Thổ cũng có thể trồng cây hồng phụng. Cây sẽ giúp bạn đạt được các mục tiêu trong công việc và cuộc sống dễ dàng hơn, thu hút tiền tài và vận may, gia đình êm ấm, hòa thuận.
Cách nhân giống cây hồng phụng
Nếu muốn sở hữu một vườn cây hồng phụng xanh tốt và không cần mất quá nhiều chi phí, bạn có thể tự nhân giống chúng. Hiện nay, cây hồng phụng có thể được nhân giống bằng cách chiết cành hoặc gieo hạt.
Nếu muốn tiết kiệm thời gian, bạn có thể mua cây con tại vườn ươm rồi trồng trực tiếp ở ngoài trời hoặc trong chậu. Hãy áp dụng quy trình trồng cây như sau:
- Bước 1: Tạo hố đất vừa đủ với kích thước của cây.
- Bước 2: Xé nhẹ vỏ bầu đất của cây hồng phụng.
- Bước 3: Đặt cây hồng phụng vào hố đất và tưới nước.
Lưu ý: Bạn nên chọn trồng cây ở nơi nhiều nắng để màu sắc của cây và hoa đẹp hơn.
Cách chăm sóc cây hồng phụng
Cây hồng phụng là một loài cây cảnh đẹp, có hoa nhiều màu sắc rực rỡ. Để cây hồng phụng luôn xanh tốt, hoa nở rộ, bạn cần chú ý đến những điều sau:
Ánh sáng
Cây hồng phụng là loại cây ưa nắng, thích hợp trồng ở ngoài trời làm cây cảnh ban công, cây sân thượng hoặc cây cảnh sân vườn. Nếu được trồng ở nơi ở nhiều ánh sáng trực tiếp, cây sẽ dễ dàng ra hoa nhiều và đẹp.
Tưới nước
Cây hồng phụng không cần tưới quá nhiều, nhưng cũng không chịu được khô hạn. Bạn nên tưới nước cho cây vào buổi sáng sớm, khi đất còn mát và ẩm. Khi thời tiết nắng nóng, bạn nên tưới nước cho cây thường xuyên, có thể tưới 2 – 3 lần/ngày. Khi thời tiết ẩm ướt, mưa nhiều, bạn chỉ cần tưới nước 3 – 4 lần/tuần. Trong mùa đông, bạn nên giảm tưới nước cho cây, tránh tưới nước vào buổi tối.
Phân bón
Cây hồng phụng cần được bón phân đầy đủ để cây phát triển khỏe mạnh và ra hoa nhiều. Bạn nên bón phân lót cho cây trước khi trồng khoảng 1 tháng, với tỷ lệ 3:3:3:1 gồm xơ dừa, vỏ trấu, phân rơm mục và phân hữu cơ hoặc phân chuồng ủ hoai.
Sau khi trồng cây, bạn nên bón phân hữu cơ HVP 301B cho cây sau khoảng 20 ngày, để kích thích cây ra hoa. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung phân đạm và phân dưỡng lá cho cây 1 – 2 tháng/lần, để cây có đủ chất dinh dưỡng.
Phòng ngừa sâu bệnh
Cây hồng phụng ít bị sâu bệnh, nhưng bạn vẫn cần kiểm tra cây thường xuyên, để phòng ngừa và xử lý sớm nếu có. Bạn có thể dùng các loại thuốc sau:
- Khi cây bị đốm lá thì dùng COC85, mancozeb
- Khi cây bệnh rệp thì dùng Movento 150OD, Anboom 40EC, Applaud 10WP,…
- Với bệnh thối gốc, bạn cần dùng thuốc đặc trị Acti No Vate 1SP, Marthian 90SP và COC85,…
Cắt tỉa cây
Cây hồng phụng cần được cắt tỉa định kỳ, để điều chỉnh chiều cao, loại bỏ cành yếu, bệnh. Bạn nên cắt tỉa khoảng ¼ chiều cao của cành, không nên cắt quá sâu, để tránh làm tổn thương cây. Thời điểm cắt tỉa tốt nhất là vào mùa xuân, khi cây đang phát triển mạnh. Bạn nên tránh cắt tỉa vào cuối hè hay đầu thu, khi cây đang chuẩn bị ra hoa.
Kết luận
Bài viết này đã giúp bạn biết được tất cả thông tin về đặc điểm, ý nghĩa cũng như cách trồng và chăm sóc cây hồng phụng. Hy vọng thông qua đó, bạn sẽ lựa chọn được cây cảnh phù hợp với không gian của mình.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.