Cây dây nhện được xem là một trong những loại cây cảnh nội thất rất dễ trồng và chăm sóc. Cây phù hợp với nhiều không gian từ phòng khách đến ban công, phòng làm việc đều rất phù hợp. Sau đây, hãy cùng Vựa cây xanh tìm hiểu ngay về đặc điểm, tác dụng, ý nghĩa cũng như cách trồng và chăm sóc loài cây này nhé.
Đặc điểm của cây dây nhện
Thông tin cơ bản
- Tên thường gọi: Cây dây nhện
- Tên gọi khác: Cỏ lan chi, lục thảo thưa, cỏ điếu lan, cỏ nhện, lục thảo trổ, cỏ mẫu tử,…
- Tên khoa học: Chlorophytum comosum
- Họ cây: Măng tây
- Nguồn gốc: Cây có nguồn gốc từ Châu Phi
Đặc điểm bên ngoài
- Thân cây: Cây dây nhện là một loài thân cỏ lâu năm, có chiều cao trung bình từ 30 đến 60cm, thường mọc thành cụm và nhiều nhánh cây nhỏ.
- Lá cây: Dài từ 20 đến 34cm, chiều ngang hẹp từ 2-3cm, đầu lá nhọn nhưng rất mềm. Lá cây thường mọc tua tủa từ gốc cây, trên lá có sọc xanh kéo dài từ gốc tới ngọn, hai bên phiến lá có màu trắng. Khi nhìn xa, lá của cây tựa như những dải lụa trông vô cùng đẹp mắt.
- Hoa của cây: Vào mùa hè, cây dây nhện sẽ nở hoa màu trắng đục, khá nhỏ và thường mọc thành cụm. Hoa thường có từ 5 đến 6 cánh, khi nở rộ sẽ lộ ra phần nhụy vàng tươi tắn.
Tác dụng của cây dây nhện
Không phải tự nhiên mà cây dây nhện lại được yêu thích đến vậy, đó là vì những lợi ích tuyệt vời mà nó mang lại:
Lọc sạch không khí
Theo nghiên cứu của NASA, cây dây nhện có thể được xem là một “chiếc máy lọc không khí tự nhiên”, có khả năng tạo ra oxy, đồng thời loại bỏ những khí độc hại như carbon monoxide, formaldehyde và xylene, tạo ra bầu không khí trong lành và an toàn.
Ngoài ra, cây dây nhện còn có khả năng xua đuổi côn trùng và hấp thụ những tia bức xạ có hại từ các thiết bị điện từ như tivi, điện thoại, máy tính,…. giúp bảo vệ sức khỏe của bạn và người thân trong gia đình.
Tăng giá trị thẩm mỹ cho không gian
Cây dây nhện sở hữu vẻ ngoài thanh lịch, sang trọng nhưng không kém phần bắt mắt sẽ là lựa chọn phù hợp để trang trí cho văn phòng hoặc bất kỳ không gian nào trong nhà. Màu xanh của cây sẽ thêm phần sức sống và tươi mới, tạo sự hài hòa cho không gian của bạn.
Khả năng chữa bệnh
Ít người biết rằng, phần rễ của cây dây nhện có khả năng điều trị các chứng bệnh về tiêu hóa như khó tiêu, đầy bụng, kiết lỵ,… Phần thân cây giã nhuyễn còn có thể dùng làm nước giải độc cơ thể hoặc đắp lên tay để giảm sưng do bỏng gây ra.
Cũng theo nghiên cứu của NASA, trồng cây dây nhện trong nhà sẽ giúp chúng ta tăng 15% trí nhớ và giảm căng thẳng lo âu, giúp bạn nâng cao hiệu suất làm việc tốt hơn.
Làm quà tặng
Cây dây nhện rất dễ chăm sóc lại có nhiều lợi ích về sức khỏe, do đó, loài cây này cũng thường được dùng làm quà tặng cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp trong những dịp đặc biệt.
Thu hút may mắn, tài lộc
Nếu cây dây nhện phù hợp với bản mệnh của bạn sẽ giúp thu hút nhiều may mắn và tài lộc, hỗ trợ thúc đẩy con đường sự nghiệp thăng tiến nhanh chóng, đồng thời giúp bạn xua đuổi vận đen, tạo ra nhiều cơ hội làm ăn và phát tài cho bản thân bạn.
Ý nghĩa cây dây nhện
Theo phong thủy, cây dây nhện được xem là biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất, không ngại gian khổ, khó khăn mà vươn lên phía trước. Bên cạnh đó, cây còn được xem là biểu tượng may mắn, sẽ giúp gia chủ thu hút nhiều vượng khí và gia tăng tài vận nếu được trồng trong nhà.
Ngoài ra, cây dây nhện còn có khả năng trừ tà, xua đuổi ma quỷ và âm khí làm hại đến gia chủ, giúp bạn có được cuộc sống ấm no, bình an bên gia đình của mình.
Cây dây nhện hợp mệnh gì?
Theo chuyên gia phong thủy, cây dây nhện nổi bật bởi phần lá màu xanh xen kẽ với màu trắng, do đó, nó sẽ mang đặc trưng của cả mệnh Mộc (màu xanh lá cây) lẫn mệnh Kim (màu trắng). Chính vì thế, những ai thuộc 2 mệnh này trồng cây dây nhện là thích hợp nhất. Cây sẽ giúp bạn hóa giải điềm xua, mang lại may mắn và nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc và cuộc sống.
Cây dây nhện hợp tuổi nào?
Cây dây nhện sẽ phù hợp với những ai sinh vào năm mệnh Mộc và mệnh Kim, cụ thể như sau:
- Người sinh vào năm Mộc: Sinh vào năm 1928, 1929, 1942, 1943, 1950, 1951, 1958, 1959, 1972, 1973, 1980, 1981, 1988, 1989, 2002, 2003, 2010, 2011,,…
- Người sinh vào năm Kim: Sinh vào năm 1932, 1992, 1984, 2024, 1940, 2000, 1963, 1962, 1985, 1970, 1954, 2014, 1971,…
Vị trí đặt cây dây nhện hợp phong thủy
Tùy vào mua đích của bạn mà có thể lựa chọn vị trí đặt cây dây nhện cho phù hợp:
- Để chiêu tài, cầu lộc, bạn có thể trang trí chúng làm cây cảnh ban công, trước hiên nhà, hành lang,…
- Để giúp công việc làm ăn thuận lợi, rước thêm nhiều may mắn cho bản thân, bạn có thể trồng chúng làm cây cảnh trong nhà. Những vị trí thích hợp nhất mà bạn có thể lựa chọn là: Phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp, nhà vệ sinh, văn phòng, bàn làm việc,…
Cách trồng và chăm sóc cây dây nhện
Để cây dây nhện có thể phát triển khỏe mạnh, bạn cần hiểu rõ cách trồng và chăm sóc loài cây này:
Cách trồng cây dây nhện thủy sinh
Lưu ý: Trước khi trồng cây dây nhện thủy sinh, bạn cần chuẩn bị sẵn bình và dung dịch trồng thủy sinh.
Cách trồng:
- Bước 1: Cắt phần nhánh cây con được mọc từ phần dây leo, có lá nhỏ mập mạp và có sẵn rễ khí ở dưới. Sau đó đem phần nhánh cây đã cắt đi rửa sạch và lau nhẹ nhàng.
- Bước 2: Đổ 1 nắp đầy dung dịch thủy canh Trimix pha với 1 lít nước sạch vào bình đựng (đã chuẩn bị sẵn) rồi khuấy đều. Tiếp đó, đặt cây dây nhện con vào, sao cho nước ngập phần rễ cây là được. Bạn có thể sử dụng nẹp hoặc giá đỡ để cố định phần cây không bị ngã đổ.
- Bước 3: Đặt cây ở nơi thông thoáng, mát mẻ, tránh ánh nắng trực tiếp khiến cây bị héo úa.
Cách trồng cây dây nhện trong chậu đất
Chuẩn bị chậu và đất trồng: Trước khi trồng cây dây nhện trong chậu đất, bạn cần chuẩn bị chậu và đất trồng. Bạn nên chọn chậu cây phù hợp với kích thước của cây. Còn về phần đất trồng thì ưu tiên sử dụng đất thịt tự nhiên giàu dinh dưỡng trộn thêm với phân chuồng hoai mục.
Cách trồng: Chọn cây con có phần thân dài từ 5 đến 10cm, có mầm lá mập mạp, xanh tốt, sạch sâu bệnh, không bị đốm đen hay vàng lá. Bạn cắt phần cây con này rồi vùi vào đất trong khoảng 15 đến 20 ngày thì trồng vào chậu.
Cách chăm sóc cây dây nhện
Sau khi trồng, cây dây nhện cần được chăm sóc đúng cách để cây luôn khỏe mạnh và tươi tốt.
Tưới nước
Bạn không cần tưới quá nhiều nước cho cây dây nhện vì chúng có khả năng chịu hạn rất tốt. Khi tưới thì nên dùng bình phun sương để phun ướt lá và hơi ẩm gốc cây là được. Nếu trồng trong nhà, bạn có thể tưới cho cây 2 – 3 ngày 1 lần, còn khi trồng ngoài trời thì nên tưới cho cây mỗi ngày.
Vào những ngày đông mưa nhiều, bạn có thể giảm lượng nước tưới cho cây. Vào mùa hè thì bạn có thể bổ sung nhiều nước hơn để tránh cây bị khô héo nhé.
Ánh sáng
Cây dây nhện là loài cây ưa sáng lẫn bóng râm, thích hợp sống trong điều kiện môi trường mát mẻ. Do đó, bạn nên tránh trồng chúng ở nơi có ánh sáng gay gắt trực tiếp nhiều giờ, dễ khiến chúng bị chết do cháy lá.
Đất trồng
Đất trồng có độ PH từ 6.1 đến 7.5 là lý tưởng nhất để cây dây nhện có thể phát triển khỏe mạnh. Bạn có thể chọn loại đất thịt tự nhiên trộn với phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục để tăng giá trị dinh dưỡng cho cây.
Nhiệt độ
Cây dây nhện yêu thích môi trường có nhiệt độ từ 18 đến 24 độ C, nên rất thích hợp trồng trong phòng máy lạnh như văn phòng hoặc trong nhà. Nếu được sống trong môi trường này, cây có thể sống khỏe mạnh và phát huy hết công dụng của mình.
Bón phân
Khi mới trồng khoảng 1 tháng, bạn không cần bón phân cho cây dây nhện. Nhưng khi sang tháng thứ 2, bạn cần bổ sung thêm phân NPK dạng bón thúc để cây có đủ dinh dưỡng để phát triển tốt hơn.
Ngoài ra trong quá trình chăm sóc cây, nếu thấy cây bị vàng lá, màu sắc nhợt nhạt, còi cọc thì bạn cần bón phân ngay để giúp cây lấy lại vẻ đẹp của mình nhé.
Phòng ngừa sâu bệnh
Cây dây nhện thường gặp 4 vấn đề phổ biến sau đây:
- Bệnh thối rễ do tưới quá nhiều nước: Bạn nên chọn chậu có lỗ thoát nước ở dưới đáy và chú ý tưới nước cho cây với lượng nước vừa đủ.
- Bệnh vàng lá do thiếu chất dinh dưỡng: Bạn cần bổ sung thêm phân bón để giúp cây xanh tươi trở lại.
- Bị héo lá do phơi nắng ngoài trời quá lâu: Bạn nên đem cây vào nơi có bóng râm và tưới thêm nước.
- Rệp làm cây héo úa, chết dần: Loài ký sinh này thường trú ngụ ở dưới mặt lá và gần sát gốc cây. Để loại bỏ chúng, bạn có thể pha loãng nước rửa bát rồi phun sương vào vị trí có rệp lá, duy trì 2 ngày một lần đến khi loại bỏ hoàn toàn.
Một số câu hỏi thường gặp
Dưới đây là một số thắc mắc mà bạn có thể gặp phải khi trồng loài cây này trong nhà:
Cây dây nhện có độc không?
Loài cây này HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ ĐỘC. Cây dây nhện lại được biết đến với khả năng chữa một số loại bệnh như khó tiêu, đầy bụng,… Tuy nhiên, nếu trẻ nhỏ không may nuốt phải thì vẫn có thể xảy ra một số phản ứng tự nhiên khi có vật thể lạ trong dạ dày như buồn nôn, đi ngoài,…
Cây dây nhện có hoa không?
Câu trả lời là CÓ. Loài cây này thường nở hoa màu trắng đục vào mùa hè. Khi nở, hoa thường được mọc thành chùm ở phần ngọn cây.
Có nên để cây dây nhện trong phòng ngủ?
Câu trả lời là NÊN. Cây dây nhện có khả năng loại bỏ 90% formaldehyde có trong không khí, đồng thời hỗ trợ loại bỏ tạp chất carbon monoxide và các chất ô nhiễm khác như benzen và xylen, giúp bạn có được giấc ngủ sâu và an lành hơn.
Kết luận
Bài viết trên đây đã giúp bạn biết được tất cả thông tin liên quan về cây dây nhện. Hi vọng thông qua đó, bạn sẽ biết được có nên trồng loài cây này trong không gian của mình hay không.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.