Bạn muốn biết cách trồng rau mồng tơi xanh mướt, thơm ngon ngay tại nhà nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu? Hãy cùng Vựa cây xanh khám phá những bí quyết trồng rau mồng tơi đơn giản mà hiệu quả qua bài viết này!
Những điều cần biết trước khi trồng rau mồng tơi
Trồng rau mồng tơi tại nhà không chỉ giúp bạn có rau sạch, an toàn mà còn mang lại nhiều niềm vui. Trước khi thực hiện cách trồng rau mồng tơi, hãy lưu ý những điều sau:
Thời vụ trồng rau mồng tơi
Thời vụ trồng rau mồng tơi phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện khí hậu của từng vùng. Ở miền Bắc, do khí hậu có 4 mùa rõ rệt nên chúng ta thường trồng mồng tơi vào vụ xuân (tháng 3 – 5 dương lịch) và vụ hè thu (tháng 5 – 9 dương lịch). Ngược lại, ở miền Nam với khí hậu nóng ẩm quanh năm, mồng tơi có thể được trồng liên tục.
Giống cây mồng tơi
Rau mồng tơi có đa dạng về giống loài, mỗi loại đều có những đặc điểm riêng biệt.
- Mồng tơi trắng: Là loại phổ biến nhất với thân mảnh, lá xanh nhạt.
- Mồng tơi tía: Có gân tím, lá màu xanh.
- Mồng tơi thân mập: Có lá to, ít nhớt thường được trồng để lấy cành non.
Đất trồng rau mồng tơi
Để rau mồng tơi phát triển tốt, bạn cần chuẩn bị loại đất tơi xốp, giàu cát và có khả năng thoát nước tốt. Tốt nhất, bạn nên chọn đất không bị phèn, có độ pH từ 5,5 đến 6,5.
Trước khi trồng, nên làm sạch cỏ dại, bón vôi để cải thiện độ pH và cày đất kỹ. Sau đó, đất cần được phơi ải trong khoảng 7-10 ngày để tiêu diệt các loại sâu bệnh có hại trong. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng đất sạch tribat để tiết kiệm thời gian và công sức.
Cách trồng rau mồng tơi nhanh chóng, đơn giản tại nhà
Tùy thuộc vào diện tích vườn nhà mà bạn có thể chọn một trong hai cách trồng rau mồng tơi sau đây:
Cách trồng rau mồng tơi trong khay, chậu
Với cách trồng rau mồng tơi này, bạn cần chuẩn bị khay hoặc chậu có miệng rộng, đáy sâu khoảng 12 – 15cm, kích thước phù hợp với diện tích vườn nhà hoặc ban công.
Tiếp theo, chúng ta sẽ tiến hành cách trồng rau mồng tơi trong khay, chậu như sau:
- Bước 1: Đổ đất trồng tơi xốp, thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng vào khay/chậu, cao khoảng 6cm
- Bước 2: Gieo trực tiếp hạt mồng tơi vào đất mà không cần trải qua quá trình ngâm hay ủ hạt. Mỗi hạt cách nhau tối thiểu 10cm để tạo không gian cho cây phát triển sau này.
- Bước 3: Phủ một lớp đất mỏng khoảng 0,5cm lên trên bề mặt hạt rồi tưới nước nhẹ nhàng để tạo độ ẩm. Mỗi ngày, bạn nên duy trì tưới nước 2 lần/ngày nhằm kích thích quá trình nảy mầm của hạt.
- Bước 4: Sau khoảng 5 – 7 ngày chăm sóc, hạt mồng tơi sẽ bắt đầu nảy mầm thành cây con.
Cách trồng rau mồng tơi bằng phương pháp leo giàn
Bạn hoàn toàn có thể áp dụng cách trồng rau mồng tơi leo giàn để tối ưu hóa diện tích và nâng cao năng suất.
Với cách trồng rau mồng tơi này, bạn cần gieo khoảng 15 – 20 hạt vào một khay, rồi lấp một lớp đất mỏng lên trên. Sau đó, bạn sẽ tưới nước cho đất khoảng 2 lần/ngày, giúp quá trình nảy mầm của cây nhanh hơn.
Khi cây phát triển đạt chiều cao khoảng 20cm thì có thể leo giàn. Bạn có thể tận dụng hàng rào khu vực ban công, sân vườn hoặc sử dụng các thanh gỗ, sắt cắm gần gốc cây, giúp cây leo lên cao.
Cách chăm sóc cây mồng tơi luôn xanh tốt
Đến đây thì bạn đã biết được cách trồng rau mồng tơi nhanh chóng, đơn giản tại nhà. Sau khi trồng, cây mồng tơi cần được chăm sóc thật tốt theo hướng dẫn sau:
Ánh sáng
Rau mồng tơi sẽ phát triển tốt nhất nếu được trồng ở nơi có nhiều nắng hoặc nắng một buổi trong ngày. Nếu trồng ở nơi thiếu sáng, thân cây mồng tơi sẽ ốm, vóng cao và kích thước lá cũng nhỏ lại.
Tưới nước
Cần tưới đủ nước để giữ ẩm cho đất, tuy nhiên không nên tưới quá nhiều, dễ gây ngập úng cho cây. Vào mùa nắng, bạn nên tưới nước 2 lần/ngày để đảm bảo cây luôn đủ nước. Còn vào mùa mưa, bạn chỉ cần tưới khi đất khô hạn.
Phân bón
Bón phân hợp lý sẽ giúp quá trình sinh dưỡng của cây mồng tơi diễn ra thuận lợi hơn. Bạn nên trộn phân hữu cơ với phân lân để bón lót cho đất, sau đó cày đất thật kỹ.
Trong quá trình sinh trưởng, bạn có thể bón thêm phân đạm pha loãng với nước. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho rau, chúng ta cần ngừng bón đạm trước khi thu hoạch khoảng 7 – 10 ngày.
Bên cạnh đó, lượng phân bón cho cây mồng tơi cũng cần cần điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng và loại đất trồng.
Phòng ngừa sâu bệnh
Rau mồng tơi thường bị các loại sâu hại như sâu tơ, sâu xanh và bọ nhảy tấn công, gây hại lá và làm giảm năng suất. Để bảo vệ cây, bạn nên thường xuyên kiểm tra cây và bắt sâu bằng tay kết hợp loại bỏ những lá bị vàng, lá bị bệnh.
Thu hoạch mồng tơi
Chỉ sau khoảng 1 tháng chăm sóc, bạn đã có thể thu hoạch những bó rau mồng tơi tươi ngon. Khi thu hoạch, hãy dùng dao sắc cắt sát gốc, cách mặt đất khoảng 5-10cm để cây mau ra đọt mới. Nên thu hoạch vào sáng sớm để rau giữ được độ tươi ngon nhất. Sau mỗi lần thu hoạch, cây mồng tơi sẽ tiếp tục ra lứa mới, bạn có thể thu hoạch lại sau khoảng 12-15 ngày.
Kết luận
Với những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã nắm được cách trồng rau mồng tơi hiệu quả tại nhà. Chúc bạn thành công và có những bữa ăn ngon lành từ chính sản phẩm mình trồng.