Cách trồng nấm linh chi hiệu quả, đạt năng suất cao

Cách trồng nấm linh chi hiệu quả, đạt năng suất cao
5/5 - (1 bình chọn)

Nấm linh chi từ lâu đã được biết đến như một loại dược liệu quý giá, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Với nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, nhiều người đã tìm hiểu cách trồng nấm linh chi. Bài viết dưới đây của Vựa cây xanh sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và kỹ thuật trồng nấm linh chi hiệu quả.

Thời vụ trồng nấm linh chi

Thời điểm trồng nấm linh chi thích hợp nhất là vào khoảng tháng 1 đến tháng 10 dương lịch, giúp quá trình triển khai cách trồng nấm linh chi đạt hiệu quả cao. Từ tháng 10 trở đi, thời tiết sẽ chuyển mưa nhiều hơn khiến độ ẩm không khí tăng cao, làm nấm dễ nhiễm bệnh và phát triển không đồng đều, kém chất lượng. Do đó, trong khoảng từ tháng 10 dương lịch đến khoảng sau Tết, mọi người thường ngừng trồng loại nấm này.

Từ khi cấy giống, nấm linh chi sẽ cần khoảng 2,5 – 4 tháng để sinh trưởng cho đến khi thu hoạch. Như vậy, trong một năm, bà con có thể linh động trồng được 3 – 4 vụ nấm linh chi.

Đợt ra nấm linh chi đầu tiên thường có chất lượng cao nhất, sau đó sản lượng và chất lượng nấm sẽ kém đi khá nhiều khi sang đợt 2, đợt 3.

Hướng dẫn cách trồng nấm linh chi đúng kỹ thuật

Để trồng nấm linh chi đúng kỹ thuật, bạn hãy làm theo các bước sau:

Nguyên liệu cần có để trồng nấm linh chi

Nấm linh chi có thể sinh trưởng trên nhiều loại nguyên liệu khác nhau, phổ biến nhất là mùn cưa tươi hoặc khô của các loại gỗ mềm, không chứa tinh dầu và độc tố. Ngoài ra, bã mía, thân gỗ, và các loại cây thuộc họ thân thảo cũng có thể được tận dụng làm giá thể trồng nấm.

Với cách trồng nấm linh chi, ngoài nguyên liệu chính, bạn cần chuẩn bị thêm các vật liệu phụ như: Túi nilon chịu nhiệt, bông nút, và cổ nút.

Để đảm bảo nấm phát triển khỏe mạnh, cần bổ sung các chất dinh dưỡng và vi khoáng chất tự nhiên vào giá thể trồng nấm. Các chất này có thể bao gồm bột cám, bột ngô, MgSO4, vôi, CaCO4, đi kèm với đó là nguồn nước tưới phải sạch.

Trước khi cấy giống, hỗn hợp giá thể mùn cưa phải đồng nhất và ủ để lên men. Quá trình ủ này sẽ giúp phân giải chất xơ, loại bỏ bớt tinh dầu có trong mạt cưa, đồng thời tạo điều kiện cho vi sinh vật có lợi phát triển, giúp diệt trừ mầm bệnh có trong nguyên liệu

Đóng bịch trồng nấm

Sau khi đã có được nguyên liệu cần thiết, chúng ta sẽ tiếp tục đóng mùn cưa vào bịch để tạo phôi trồng nấm, quá trình này có những lưu ý như sau:

  • Đóng chặt tay: Việc đóng chặt miệng túi giúp ngăn ngừa tình trạng đứt tơ nấm, giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài và trong quá trình di chuyển.
  • Trọng lượng phù hợp: Mỗi bịch phôi nên có trọng lượng từ 1,2kg đến 1,5kg. Việc kiểm soát trọng lượng giúp đảm bảo quá trình sinh trưởng của nấm diễn ra đồng đều.
  • Sử dụng túi nilon đúng kích cỡ: Nên sử dụng túi nilon có kích thước 19 – 20cm để đóng mạt cưa.
  • Tạo lỗ cấy giống: Dùng que soi nấm để tạo các lỗ nhỏ trên túi, giúp quá trình cấy giống diễn ra thuận lợi mà không làm tổn thương tơ nấm.
  • Làm cổ bịch: Sau khi đóng mạt cưa, tiến hành làm cổ bịch bằng cách sử dụng nút nhựa và nhét bông gòn vào miệng túi. Điều này giúp ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và côn trùng.
  • Hấp thanh trùng: Sau khi hoàn thành các bước trên, đem bịch phôi đi hấp thanh trùng để tiêu diệt các vi sinh vật gây hại, đảm bảo môi trường vô trùng cho quá trình nuôi cấy nấm.
Đóng bịch trồng nấm linh chi
Đóng bịch trồng nấm linh chi

Cách hấp thanh trùng cho bịch phôi

Mục tiêu của quá trình thanh trùng này là tiêu diệt hoàn toàn mọi vi sinh vật có trong nguyên liệu, đảm bảo môi trường vô trùng cho quá trình nuôi cấy nấm. Phương pháp thanh trùng phổ biến là hấp cách thủy ở nhiệt độ 100°C trong khoảng 12 giờ.

Cách cấy giống vào bịch phôi

Quá trình cấy giống nấm linh chi vào bịch phôi đòi hỏi sự tỉ mỉ và vô trùng tuyệt đối. Để đảm bảo thành công, bà con cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chọn giống chất lượng: Giống nấm phải đúng độ tuổi, không bị nhiễm bệnh.

Bước 2: Chuẩn bị môi trường vô trùng: Tất cả dụng cụ như chai giống, que kẹp, đèn cồn, bàn cấy, cồn sát trùng đều phải được thành trùng kỹ lưỡng rồi để nguội. Phòng cấy giống phải chắn gió, không quá kín. Bịch phôi giống sau khi hấp thanh trùng xong là phải cấy ngay.

Bước 3: Cấy giống: Bạn có thể chọn một trong hai phương pháp sau:

  • Cấy trên que gỗ: Tạo lỗ trên bịch phôi có đường kính 1,8 – 2cm, sâu 15 – 17cm, khi cấy thì đặt nguyên bịch phôi gần đèn cồn, gắp từng que giống cấy vào lỗ.
  • Cấy trên hạt: Dùng que cấy khều nhẹ giống cho đều trên bề mặt bịch nguyên liệu, tránh dập nát giống. Mỗi bịch nguyên liệu sẽ cho khoảng 10 – 15 gam giống, như vậy, mỗi bịch meo giống sẽ cấy được cho khoảng 40-50 bịch nguyên liệu.

Lưu ý:

  • Khi cấy không nên đưa kẹp đèn cồn vào lửa quá lâu để đốt.
  • Khi cấy, chai cấy giống nên đặt nằm ngang.
  • Tốt nhất nên sử dụng tủ cấy để hạn chế bớt mầm bệnh từ quá trình nói chuyện, hơi thở của người cấy và từ không khí.

Bước 4: Bảo quản: Sau khi cấy, bà con cần đậy kín miệng bịch và chuyển đến phòng ủ nấm đã được vệ sinh sạch sẽ.

Ủ tơ cho phôi nấm

Nhà ủ tơ nấm phải sạch sẽ, thoáng mát, không bị mưa dột, được khử trùng và rải vôi xung quanh nhà ủ. Ở bên trong nhà ủ tơ nên có độ ẩm trong khoảng từ 70 đến 80% cùng nhiệt độ môi trường từ 25 đến 30 độ C.

Nấm khô và phôi nấm cần được tách riêng nhà ủ để đảm bảo chất lượng. Các bịch phôi sau khi cấy cần được đặt trên kệ hoặc treo trên kệ cách nhau từ 2 đến 3cm.

Trong quá trình ủ, chúng ta không nên di chuyển bịch phôi và cần kiểm tra thường xuyên để theo dõi tiến trình phát triển của nấm tốt nhất. Nếu thấy túi nấm bị nhiễm khuẩn, bà con cần loại bỏ ngay để không làm ảnh hưởng đến các túi phôi khác.

Khi thấy tơ nấm lan được ½ đến ⅓ bịch thì cũng là lúc chúng bắt đầu hình thành quả thể. Lúc này, bà con hãy tháo bớt bông ở cổ bịch phôi giống, giúp nấm mọc ra dễ dàng hơn và không bị kẹt lại.

Chúng ta tiếp tục phủ kín kịch và duy trì quá trình ủ tơ nấm, trong khoảng 2 ngày sau mới tưới thêm nước, đồng thời đảm bảo nhiệt độ môi trường luôn ở mức 28 độ C và độ ẩm 90%.

Hướng dẫn cách chăm sóc nấm linh chi

Khi sợi nấm đã lan tỏa kín khoảng ¾ túi, bà con sẽ tiến hành phủ đất để tạo điều kiện cho nấm linh chi hình thành quả thể. Trước tiên, bà con sẽ gỡ bỏ nút bông, mở miệng túi và phủ một lớp đất mỏng (dày từ 2 – 3cm) lên bề mặt.

Lưu ý:

Đất phải ẩm nhưng không quá ướt, nếu đất quá khô thì nên tưới phun sương nhẹ để giữ ẩm cho đất. Ngoài ra, bà con cũng cần tránh tưới quá nhiều nước vì dễ gây ngập úng và nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến quá trình hình thành quả thể nấm.

Trong khoảng 7 – 10 ngày đầu kể từ lúc phủ đất, bà con cần duy trì độ ẩm trong khoảng 80 – 90%. Khi thấy quả thể nhô lên mặt đất, bà con tiếp tục duy trì độ ẩm này liên tục cho đến khi thu hoạch. Tính từ thời điểm này cho đến lúc thu hoạch sẽ dài khoảng 65 đến 70 ngày.

Trong quá trình chăm sóc, chúng ta cũng cần tưới phun sương nhẹ nhàng, trực tiếp lên bề mặt đất phủ từ 1 – 3 lần mỗi ngày (thay đổi tùy theo điều kiện thời tiết). Bà con duy trì việc chăm sóc này cho nấm linh chi đến khi viền màu trắng trên mũ nấm biến mất, đây cũng là lúc nấm đến tuổi thu hái.

Hướng dẫn cách chăm sóc nấm linh chi
Hướng dẫn cách chăm sóc nấm linh chi

Thu hoạch và bảo quản nấm linh chi

Thu hoạch nấm linh chi là giai đoạn quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm cuối cùng.

Thời điểm thu hoạch: Nên thu hoạch khi nấm bắt đầu hình thành bào tử, khoảng 10 ngày sau khi nấm trưởng thành, lúc này nấm linh chi sẽ có chất lượng tốt nhất. Khi nấm vừa sản sinh lớp bào tử, bà con cần ngưng tưới 10 ngày trước khi thu hoạch.

Cách thu hoạch:

  • Cắt nấm: Dùng kéo sắc bén cắt sát chân nấm, tránh làm tổn thương phần thân.
  • Sắp xếp: Úp mặt trên của tai nấm xuống, đặt lên giấy báo trải sẵn trong sọt để bảo vệ lớp bào tử.
  • Tránh chồng chất: Không chồng chất nấm lên nhau để tránh làm dập nát và mất đi lớp bào tử.

Sấy khô: Bà con sẽ lần lượt thực hiện quá trình sấy sơ bộ và sấy chính, đảm bảo nấm đủ điều kiện để đem đi bảo quản.

  • Sấy sơ bộ: Sấy nấm ở nhiệt độ 40 – 45°C trong 6 – 8 giờ để loại bỏ phần lớn nước.
  • Sấy chính: Sau khi sấy sơ bộ, bà con tiếp tục sấy ở nhiệt độ 55 – 60°C trong 6 – 8 giờ để nấm đạt độ ẩm 10 – 12%.

Bảo quản: Sau khi sấy khô, bà con hãy bảo quản nấm trong túi nilon kín rồi đặt ở nơi khô ráo, tránh ẩm mốc.

Lưu ý: Việc ngưng tưới nước khoảng 10 ngày trước khi thu hoạch giúp nấm tập trung dinh dưỡng vào việc hình thành bào tử, đồng thời làm tăng chất lượng nấm. Ngoài ra, việc bảo quản nấm đúng cách sẽ giúp nấm giữ được màu sắc tự nhiên và các thành phần dinh dưỡng.

Kết luận

Như vậy, quá trình trồng nấm linh chi đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, cấy giống, ủ nấm đến thu hoạch. Bằng cách tuân thủ các bước trên, bà con nông dân có thể tự tin sản xuất nấm linh chi chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *