Cách trồng khoai mỡ thơm ngon tại nhà, năng suất cao

Cách trồng khoai mỡ thơm ngon tại nhà, năng suất cao
5/5 - (1 bình chọn)

Khoai mỡ là một loại củ quen thuộc trong bữa ăn của người Việt Nam. Không chỉ là thực phẩm giàu dinh dưỡng, khoai mỡ còn là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngon. Để có nguồn thực phẩm chất lượng, việc nắm vững cách trồng khoai mỡ là vô cùng quan trọng. Bài viết này của Vựa cây xanh sẽ hướng dẫn bạn cách trồng khoai mỡ chi tiết từ a đến z.

Thời vụ trồng khoai mỡ

Thời vụ trồng khoai mỡ phụ thuộc nhiều vào mực nước lũ hàng năm. Thông thường, chúng ta nên ươm giống khoai mỡ vào tháng 8 – 9 dương lịch để trồng vào tháng 10 – 11 dương lịch. Đối với vùng trong đê có thể xuống giống sớm hơn để thu hoạch sớm, giúp tăng giá bán của khoai mỡ.

Lưu ý:

  • Mực nước: Cần quan sát mực nước thủy cấp thường xuyên, đặc biệt trong mùa mưa. Nếu liếp bị ngập, cần có hệ thống bơm để thoát nước.
  • Thời tiết: Xuống giống trong mùa xuân thường cho năng suất cao hơn.

Cách trồng khoai mỡ đúng kỹ thuật

Sự chuẩn bị kỹ càng sẽ giúp quá trình áp dụng cách trồng khoai mỡ thành công tốt đẹp, hãy theo dõi các lưu ý cũng các bước trồng sau đây:

Chuẩn bị giống khoai mỡ

Hiện nay, khoai tím và khoai trắng là hai giống khoai mỡ được trồng phổ biến nhất.

Đối với khoai tím, chúng ta có thể chọn khoai tím than hoặc khoai tím bông lai:

  • Tím than: Củ dài từ 20 – 30cm, màu tím phủ hết 2/3 củ, chất lượng dẻo, bùi, rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Giống này cho năng suất khá cao, từ 15 – 18 tấn/ha.
  • Tím bông lau: Củ dài hơn tím than, khoảng 25 – 35cm, có màu tím từ 1/3 củ đến 1/2 củ, chất khoai dẻo và cho năng suất cao hơn, từ 18 – 20 tấn/ha.

Đối với khoai trắng, chúng ta có thể tham khảo giống khoai Mộng Linh. Loại khoai này có phần củ dài đến 30 – 40 cm, màu trắng đến trắng ngà, chất khoai dẻo, nở. Tuy nhiên, giống này lại không được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng bằng khoai tím, nên thường được dùng để chế biến xuất khẩu. Bù lại, giống khoai này cho năng suất rất cao, có thể đạt từ 20 – 30 tấn/ha.

Chuẩn bị giống khoai mỡ
Chuẩn bị giống khoai mỡ

Chuẩn bị đất trồng khoai mỡ

Khi áp dụng cách trồng khoai mỡ cho năng suất cao, chúng ta nên chọn đất sét pha, có độ tơi xốp đất. Nếu khoai được trồng ở nơi có đất kết cấu bời rời sẽ cho năng suất thấp.

  • Đất mới: Chúng ta cần lên liếp cao từ 25 – 30cm để tăng khả năng thoát nước, đồng thời xốc đất và sử dụng vôi bột diệt khuẩn, hạ phèn với liều lượng từ 100 – 150kg/1000m2.
  • Đất cũ: Nên dọn sạch cỏ dại trên liếp rồi xốc đất lại cho tơi xốp, xung quanh bờ thì gia cố lại và nâng cao liếp chỗ thấp.
  • Lên liếp: Theo kiểu cuốn chiếu trung bình, tỷ lệ 6/5, 6/4 sử dụng lớp đất mặt, cụ thể liếp 6m, mương 5m và liếp 6m, mương 4m.

Quá trình chuẩn bị đất trồng khoai mỡ nên được thực hiện trước 30 ngày gieo trồng.

Mật độ trồng khoai mỡ

Nếu trồng trên đất cũ, mật độ trồng khoai mỡ (cây cách cây) sẽ là 50x50cm. Còn với đất cũ, bạn nên trồng khoai mỡ với mật độ cây cách cây là 60x60cm.

Thường với một công 1000m2 (không tính mương liếp) sẽ trồng được khoảng 3000 mặt khoai.

Cách trồng khoai mỡ chi tiết đúng kỹ thuật

Khi đã chọn được giống khoai mỡ ưng ý, chuẩn bị đất trồng, mật độ trồng phù hợp, chúng ta có thể thực hiện cách trồng khoai mỡ sau đây:

Cách trồng khoai mỡ chi tiết đúng kỹ thuật
Cách trồng khoai mỡ chi tiết đúng kỹ thuật

Bước 1: Chọn củ giống

Nên chọn các củ đồng đều nhau, có thời gian sinh trưởng từ 5 – 6 tháng tuổi, đạt 1kg trở lên, không bị xây xát, không bị phá hoại bởi sâu bệnh.

Củ giống trước khi đem trồng cần được xử lý tuyến trùng gây mục đầu khoai. Bạn cần đun nước nóng khoảng 54 đến 55 độ C, rồi ngâm củ giống trong khoảng 40 phút, giúp giảm 85% hiện tượng mục đầu khoai.

Tiếp đó, chúng ta sẽ đem ra cắt mặt khoai, hãy chọn củ nặng khoảng 1kg rồi cắt 8 – 10 lát, mỗi mặt 4x5cm. Nếu muốn trồng 1000 mặt khoai thì chúng ta cần khoảng 100kg giống.

Khi cắt khoai, chúng ta cắt từ cuống xuống chiều dài ¾ sẽ giúp giữ đặc tính cây mẹ (bạn có thể cắt theo khoanh vẫn được). Chú ý chọn dao thật sắc để khi cắt không làm mặt khoai bị trầy trước.

Khi cắt xong, chúng ta sẽ chấm mặt cắt vào tro bếp hoặc vôi bột rồi để ráo trong 5 phút rồi đem đi ủ tro trấu. Chúng ta sẽ chất 1 lớp tro trấu, 1 lớp khoai, khi chất được 3 – 4 lớp rồi thì cho vào tủ bổi giữ ẩm. Mỗi ngày, bạn cần kiểm tra độ ẩm để giúp mầm khoai dễ phát triển hơn.

Sau khi ủ tầm 12 – 15 ngày, khoai sẽ nảy mầm và có thể đem đi trồng. Thông thường, mỗi mặt khoai sẽ cho khoảng 2 – 4 mầm, bạn chỉ cần giữ lại mầm mạnh nhất và loại bỏ các mầm còn lại.

Bước 2: Đặt giống khoai vào lỗ trồng

Khi đã ủ xong 12 – 15 ngày, bạn sẽ đem mầm khoai ra liếp trồng. Hãy moi một lỗ sâu từ 2 – 3cm, sau đó nhẹ nhàng đặt mầm khoai xuống, tránh làm gãy mầm. Tiếp đó, chúng ta sẽ phủ đất lên khoảng 1cm và phủ bồi giữ ẩm.

Kết luận

Như vậy, với những thông tin chia sẻ ở trên, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về cách trồng khoai mỡ. Từ khâu chọn giống, chuẩn bị đất đến khâu trồng khoai, mỗi giai đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *