Với đặc tính dễ trồng, dễ chăm sóc, dưa leo đã trở thành một trong những rau củ được nhiều người lựa chọn. Bài viết này của Vựa cây xanh sẽ hướng dẫn bạn cách trồng dưa leo chi tiết, từ khâu chuẩn bị đất trồng, gieo hạt đến chăm sóc và thu hoạch dưa leo.
Lưu ý trước khi trồng dưa leo
Để áp dụng cách trồng dưa leo tại nhà thành công, bạn cần chú ý những điều sau:
Thời điểm trồng
Nếu sinh sống ở miền Nam, bạn có thể trồng dưa leo cả năm, nhưng tốt nhất nên trồng vào khoảng tháng 11 đến tháng 3 năm sau, hoặc từ tháng 5 đến tháng 8. Thời điểm này là lúc dưa leo phát triển tốt nhất mà không sợ sâu bệnh hại tấn công.
Đất trồng dưa leo
Để cây dưa leo tươi tốt, khỏe mạnh, chúng ta cần chọn loại đất phù hợp cho cây như đất pha cát hoặc đất giàu dinh dưỡng. Để tăng thêm dưỡng chất trong đất, bạn có thể trộn đất cùng phân hữu cơ, phân xanh hoặc gỗ mùn.
Giống dưa leo
Bạn có thể tìm mua hạt giống dưa leo ở các cửa hàng cây cảnh hoặc những siêu thị lớn trong khu vực sinh sống. Hiện tại, trên thị trường có rất nhiều giống dưa leo để bạn lựa chọn, do đó hãy cân nhắc sở thích của bản thân để chọn loại phù hợp nhất.
Chậu trồng cây dưa leo
Nên chọn chậu to để trồng dưa leo vì loại cây này có bộ rễ phát triển khá nhanh. Bạn có thể lựa chọn thùng xốp loại to hoặc thùng, xô nhựa cỡ lớn, tạo điều kiện thích hợp để cây phát triển tốt.
Ngoài ra, bạn nên chọn thùng/xô có nhiều lỗ thoát nước dưới đáy, giúp rễ cây thông thoáng, dễ trao đổi oxy và tránh được tình trạng ngập úng.
Cách trồng dưa leo đơn giản, đúng kỹ thuật tại nhà
Cách trồng dưa leo tại nhà không hề khó như nhiều người vẫn nghĩ. Chỉ với vài bước đơn giản, bạn đã có ngay những cây dưa leo xanh tốt cho nhiều quả ngọt thơm ngon.
Trước khi bắt tay thực hiện, các bạn cần chuẩn bị những thứ sau:
- Hạt giống dưa leo khỏe mạnh
- Thùng xốp to, có đục lỗ dưới đáy
- Đất trồng tơi xốp, giàu dinh dưỡng
Khi đã chuẩn bị xong, chúng ta sẽ tiến hành cách trồng dưa leo như sau:
Bước 1: Ủ hạt giống
Trước khi gieo, hãy ngâm hạt dưa leo vào nước ấm khoảng 30-35°C trong 2 – 3 giờ để kích thích hạt nảy mầm. Sau đó, vớt hạt ra ủ vào khăn ẩm ở nhiệt độ 27 – 30°C trong 3 – 5 ngày. Cứ 1 – 2 ngày, bạn nên kiểm tra và tưới ẩm lại cho khăn.
Khi thấy mầm non nhú ra khoảng 1 – 2mm, bạn có thể đem gieo hạt vào đất. Việc ngâm và ủ hạt giúp tăng tỉ lệ nảy mầm và giúp cây con khỏe mạnh hơn.
Bước 2: Gieo hạt giống vào đất
Bạn có thể gieo hạt giống trực tiếp vào đất hoặc trồng vào khay nhựa, khay xốp.
Gieo hạt giống trực tiếp vào đất
Để gieo hạt trực tiếp vào đất thì đất trồng cần trải qua quá trình cày xới tơi xốp và lên luống cao 20 – 30cm. Sau đó, bạn hãy tạo lỗ sâu khoảng 0,5cm, rồi gieo hạt với đầu rễ hướng xuống, đầu hạt nằm ngang so với mặt đất.
Tiếp tục, bạn hãy phủ một lớp phân chuồng sàng kỹ và giữ ẩm đất bằng rơm rạ hoặc bạt plastic.
Cách gieo hạt trực tiếp vào đất tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và chăm sóc thường xuyên. Đặc biệt khi gieo trên diện tích lớn, nếu gặp mưa hay nắng nóng, sâu bệnh hại thì rất khó kiểm soát.
Gieo hạt giống vào khay nhựa, khay xốp
Trước hết, chúng ta cần chuẩn bị đất trồng tơi xốp, giàu dinh dưỡng và đủ độ ẩm. Bạn có thể trộn 50dm3 khối đất với phân bò theo tỷ lệ 7/3, sau đó cho vào các chậu. Mỗi chậu, bạn sẽ bón thêm 20g phân lân, 20g NPK, 50g vôi, 20g hữu cơ vi sinh, giúp tăng dinh dưỡng có trong đất.
Khi đã cho xong đất và phân bón vào chậu, chúng ta sẽ tiến hành tạo lỗ trồng. Bạn hãy dùng tay ấn xuống đất để tạo lỗ sâu 1cm rồi gieo hạt vào, mỗi lỗ gieo từ 1 – 2 hạt, sau đó phủ lớp đất mỏng lên trên. Khi đã gieo xong, chúng ta sẽ tưới nước để giữ ẩm đất rồi dùng túi nilon phủ lên khay ươm. Tiếp tục, hãy đặt chậu ươm cây ở khu vực có ánh nắng ấm, giúp cây con nhanh phát triển hơn.
Khoảng 1 tuần sau, cây con sẽ nhú lên và nhanh chóng đạt chiều cao từ 10 – 15cm. Khi cây con đã cứng cáp, bạn sẽ bứng từ bầu ươm ra chậu trồng.
Bước 3: Bứng cây con
Khi cây con đã có 3 – 4 lá, thân cây mập mạp, cứng cáp, chúng ta sẽ bứng bầu cây ra trồng riêng trong chậu, thùng xốp, xô nhựa cỡ lớn hơn. Bạn cũng có thể trồng cây con trực tiếp vào đất, giúp cây có nhiều không gian phát triển hơn.
Cách chăm sóc cây dưa leo luôn tươi tốt
Cây dưa leo cần có cách chăm sóc phù hợp tùy theo từng giai đoạn phát triển:
Trong 2 tuần đầu tiên sau khi trồng
Hãy tưới nước đều đặn vào sáng sớm và chiều mát để cung cấp đủ độ ẩm cho cây. Bên cạnh rơm rạ, bạn có thể sử dụng vỏ trấu, cỏ khô hoặc mùn hữu cơ để phủ gốc. Việc làm này giúp giữ ẩm cho đất, hạn chế sự bốc hơi nước và ngăn ngừa cỏ dại sinh sôi.
Khoảng 2 – 3 tuần sau khi trồng
Thời điểm này, cây dưa leo sẽ bắt đầu phát triển thân lá và các tua cuốn. Khi ấy, bạn cần làm giàn để cây leo lên hấp thụ ánh sáng mặt trời tốt, giúp cải thiện năng suất và chất lượng quả.
Sau 1 tháng trồng
Tính từ thời điểm trồng được 1 tháng, cây dưa leo sẽ bắt đầu vào giai đoạn sinh trưởng mạnh nên cần được chăm sóc kỹ càng hơn. Để cây ra nhiều hoa, bạn cần tưới nhiều nước hòa với phân lân, đạm, kali, ure, nhằm bổ sung dinh dưỡng cho cây.
Từ ngày thứ 30 đến 50, cây dưa leo bắt đầu quá trình kết trái, nách lá bắt đầu xuất hiện hoa đực, hoa cái và các nhánh con. Việc bạn cần làm là phải tưới nước cho cây đầy đủ 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều tối, giúp cây đậu nhiều quả hơn.
Sau khoảng 2 tháng trồng
Tùy thuộc vào giống và cách chăm sóc, dưa leo thường chín sau 60 – 80 ngày trồng. Để đảm bảo chất lượng quả, bạn nên thu hoạch dưa leo vào buổi sáng sớm khi nhiệt độ còn mát mẻ.
Kết luận
Như vậy, cách trồng dưa leo cũng không quá phức tạp nếu chúng ta nắm vững các kỹ thuật cơ bản. Với một chút kiên nhẫn và yêu thích, bạn hoàn toàn có thể tự tay trồng những trái dưa leo tươi ngon tại nhà.